Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Lợi ích từ bàn tính gẩy

Lợi ích tuyệt vời khi cho con học bàn tính gẩy

Cậu bé Chong Jun Ee giải bốn phép tính nhân có kết quả đến số hàng nghìn trong vòng chưa đến 10 giây (ảnh chụp tại Trường Tiểu học Kim Đồng, Hà Nội). Ảnh: Quý Hiên

Bằng chiếc bàn tính tưởng tượng, chỉ từ chưa đầy một đến vài giây, cậu bé tám tuổi Chong Jun Ee đã thực hiện xong  phép tính cộng trừ dãy số có nhiều chữ số.

Thầy giáo người Malaysia của Chong khẳng định, 85 phần trăm học sinh theo học chương trình bàn tính và số học trí tuệ đạt được kết quả như Chong.
Yap Wai Lun (14 tuổi) và Chong Jun Ee (tám tuổi) là hai trong số các thành viên của đoàn khách Malaysia sang Hà Nội quảng bá cho chương trình bàn tính số học và trí tuệ từ ngày 25 đến 29/3.
Để trình diễn khả năng tính toán của các em, ông Chris Chew, người phụ trách Marketing của U C MAS viết lên bảng những dãy số (theo yêu cầu của khán giả). Thoạt tiên chỉ là cộng trừ những dãy số có từ hai đến năm chữ số. Người trình diễn trước là Chong.


"Theo quan sát của tôi, sở dĩ người ta trình diễn khả năng tính toán bởi vì sự dễ nhận thấy của nó. Cái lớn hơn mà các con sẽ đạt được khi học chương trình này là khả năng tập trung cao độ trong quá trình tư duy. Nhờ đó, học sinh được rèn luyện khả năng làm việc bằng trí não với cường độ cao, trí tưởng tượng và trí nhớ tốt" - Cô Lê Hà, giáo viên trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm
"Với tôi, điều hấp dẫn nhất của chương trình này chính là việc phá vỡ sự lệ thuộc vào các công cụ tính toán hiện đại của trẻ con. Thế hệ của chúng tôi được học bàn tính gẩy, dù không đạt được kỹ năng tinh xảo như chương trình mà U C MAS giới thiệu nhưng chúng tôi đều tự tính toán được nhiều phép tính phức tạp. Còn trẻ con hiện nay thì với cả những phép tính đơn giản nhất cũng phải lôi máy tính điện tử ra để bấm" - Chị Huệ, phụ huynh học sinh

Em quay lưng lại với dãy chữ số đang được viết ngày càng dài. Lần này là một phép tính cộng trừ hỗn hợp của một dãy mười số có hai chữ số. Ông Chris hô: “Start” (bắt đầu), Chong quay ngoắt người lại, ngay tắp lự dùng bút viết bảng điền ngay kết quả vào cuối dãy số. Tiếng trầm trồ lan tỏa trong khán phòng rồi tiếp đó là tràng pháo tay. Phiên dịch chuyển lời nhắc nhở của ông Chris: “Các bạn cần kiểm tra lại rồi hãy khen ngợi chúng tôi”. Nhiều khán giả như sực tỉnh, vội rút điện thoại ra hý hoáy bấm. Khi có tín hiệu từ khán giả, ông Chris đánh dấu xác nhận kết quả đúng. Tràng pháo tay lại nổi lên.
Cứ vậy, Chong và Wap thay nhau điền kết quả các phép tính. Không chỉ cộng, trừ, nhân, chia mà còn cả khai căn. Lần nào cũng như lần nào, Chong và Wap điền kết quả lên bảng chỉ trong vòng từ chưa đầy một giây đến vài ba giây. Lần trả lời chậm nhất của Chong là tám giây, khi phải thực hiện một lúc ba phép tính hai chữ số nhân hai chữ số, và của Wap là 11 giây (ba phép tính ba chữ số nhân hai chữ số). 
Mỗi một bài tính đố được đưa ra, khán giả lại bở hơi tai khi phải chạy đua với các em. Họ vẫn mải mê bấm máy tính khi các em đã viết ra đáp số tự bao giờ.
Chị Huệ, một phụ huynh có hai con là học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) kể: “Trong buổi trình diễn đầu tiên, tôi và một cô bạn (đều là thạc sĩ các ngành về khoa học tự nhiên) ngồi cạnh nhau. Chúng tôi nói đùa, hai thạc sĩ với một cái máy tính mới bằng cậu bé tám tuổi. Để theo kịp cậu bé, chúng tôi phân công nhau người này đọc đề cho người kia nhập số vào máy tính điện tử”.
Nhưng có những lúc thì ngay cả hai thạc sĩ cũng đành buông máy tính chào thua ngay từ khi đề bài được xướng lên. Đó là lúc Chong trình diễn khả năng cộng, trừ hai phép tính cùng một lúc. Miệng ông Chris xướng lên các con số (phép tính thứ nhất), tay ông tung giơ ra các tấm bìa ghi các chữ số (phép tính thứ hai). Tấm bìa cuối cùng rơi xuống thì cũng là lúc Chong đọc cùng lúc hai đáp số. 
Bí quyết nằm trong chiếc bàn tính gẩy


Khán giả ra đề
Tại Hà Nội, tập đoàn U C MAS tổ chức sáu buổi trình diễn làm tính nhanh, trong đó có ba buổi diễn ra ở các trường tiểu học Kim Đồng, Trung Hoà, Đoàn Thị Điểm. Để đảm bảo tính khách quan của đề bài, mỗi khán giả xướng tên một con số (bằng tiếng Việt) cho người dẫn chương trình ghi lên bảng (người trình diễn không biết tiếng Việt và đứng quay lưng với bảng). Có những đề bài có bao nhiêu con số là do bấy nhiêu khán giả xướng lên.
Chẳng hạn, tại trường tiểu học Kim Đồng, Chong và Wap trình diễn ngay tại sân trường trước sự chứng kiến của hàng trăm học sinh. Do đó, những người ra đề là chính học sinh. Bất kỳ học sinh nào giơ tay cũng được chỉ định lên sân khấu để viết đề lên bảng. Ngoài ra, người dẫn chương trình còn tổ chức cho các em chơi trò đi siêu thị.

Mỗi học sinh chọn ngẫu nhiên một món đồ (có đính giá tiền) rồi xếp vào giỏ. Người dẫn chương trình lần lượt lôi các món đồ ra khỏi giỏ với tốc độ khá nhanh (người trình diễn chỉ kịp thoáng nhìn thấy các con số). Khi giỏ hàng trống trơn cũng là lúc người trình diễn đưa ra tổng số tiền các em phải trả.

Kết quả, các đáp án đều chính xác tuyệt đối. Một giáo viên chứng kiến màn trình diễn thốt lên: “Nhanh hơn gấp nhiều lần việc tính tiền ở siêu thị”.

Trò chuyện với Tiền Phong, một thanh niên người Malaysia mà Chong và Wap gọi là thầy giáo Tân khẳng định, 85 phần trăm số học sinh hoàn thành chương trình bàn tính và số học trí tuệ đều có thể đạt được khả năng tính toán như Chong và Wap.  Cách đây 16 năm, thầy giáo Tân là một trong những học sinh đầu tiên ở Malaysia theo học chương trình bàn tính và số học trí tuệ. “Đây không phải là khóa đào tạo dành riêng cho những em nhỏ mà chúng ta quen gọi là thần đồng.
Chương trình được thiết kế để dạy cho tất cả trẻ em có trí tuệ bình thường. Lứa tuổi tốt nhất để theo học là từ bốn đến 12 tuổi. Người lớn cũng học được nhưng phải nỗ lực gấp mười lần thì mới đạt được kết quả như mong muốn. Nhưng khi đã học xong thì suốt đời bạn sẽ không quên kỹ năng tính toán nhanh” - thầy Tân chia sẻ.
Bí quyết thành công của chương trình bàn tính và số học trí tuệ chính là chiếc bán tính gẩy (hay còn gọi là bàn tính hạt gỗ, bàn tính Trung Quốc). Theo nhiều nguồn tư liệu, chiếc bàn tính gẩy có lịch sử 5.000 năm và hiện nay vẫn được sử dụng để tính toán ở nhiều nước châu Á. Có rất nhiều sự sáng tạo để phục vụ việc tính toán thuận lợi xung quanh chiếc bàn tính này.
Ở Malaysia, GS – TS Dino Wong (sáng lập viên tập đoàn U C MAS) là người có công đầu tiên trong việc hình thành, phát triển chương trình đào tạo các em kỹ năng sử dụng bàn phím, qua đó kích thích sự phát triển trí não của trẻ không chỉ trong việc tính toán mà trong khả năng tư duy nói chung.
Ông Chris, phụ trách Marketting của U C MAS chia sẻ: “Loại bàn tính gẩy mà chúng tôi dùng hiện nay là loại 1/4 (gióng trên một hạt, gióng dưới bốn hạt). Nhằm kích thích mạnh mẽ vào dây thần kinh ở các đầu ngón tay, chúng tôi thiết kế các hạt có hình dẹt (bàn tính Trung Quốc cổ truyền có hạt hình tròn). Nếu như cách dùng thông dụng là dùng một bàn tay để gẩy các hạt thì chương trình của U C MAS thiết kế để cả 10 ngón tay gẩy hạt”.
Theo học chương trình, thoạt tiên học sinh được học cách sử dụng và thao tác bàn tính. Các hạt bàn tính là những vật hữu hình nhằm giúp trẻ có được khái niệm về các con số. Từ các con số, trẻ có khái  niệm về số lượng. Khi đã quen với các kỹ thuật sử dụng và thao tác bàn tính, trẻ bắt đầu được học số học trí tuệ.
Lúc này, trước mỗi bài tính, trong đầu trẻ sẽ hiện lên chiếc bàn tính tưởng tượng. Thay vì lấy các ngón tay gẩy hạt, các hạt của chiếc bàn tính tưởng tượng sẽ di chuyển theo sự điều khiển của trí não trẻ.
Nhờ vậy, trẻ có thể tính toán dãy số có 10 chữ số và 10 dòng bằng phép tính cộng và trừ, hay làm phép tính nhân hoặc chia những con số lớn trong khoảng thời gian cực ngắn (bình quân vài giây/ phép tính). 


1 nhận xét:

Với 10 lần nhận xét trên bantinhco.blogspot.com bạn sẽ được tặng 1 bàn tính gẩy Tiến Minh.